Nhịp đập của văn hóa công ty
Khi đặt chân vào một công ty, thông thường chỉ tốn mất mười phút là biết được nền văn hóa của doanh nghiệp ấy thế nào. Là nhà quản trị, bạn có thể miêu tả nền văn hóa của doanh nghiệp mình không?
Nếu không thể miêu tả nó ngay thì ở vị trí chủ doanh nghiệp, bạn nên tham khảo những điều sau.
Tin tốt và tin xấu
Hãy tự hỏi bạn đã dùng cách thức văn hóa nào để đối mặt với những thông tin xấu? Nhiều người chủ thường điên tiết mỗi khi nghe được tin xấu. Nhưng tín hiệu ấy sẽ truyền đạt điều gì đến nhân viên? Biết được cấp trên của mình sẽ không thể bình tĩnh được, các nhân viên không dám nói đến những điều không hay đang xảy ra nữa. Kết quả là sẽ có một “kho” tin xấu cùng lúc trút xuống đầu người chủ.
Còn đối với tin tốt, nhiều người chủ lại không hề nghĩ đến việc cổ vũ, khen ngợi. Đâu rồi chương trình tặng thưởng nhằm ghi nhận và cảm ơn một kết quả làm việc tốt? Nhiệm vụ của người chủ doanh nghiệp là cung cấp nơi làm việc tập trung những lợi ích cho mọi người, luôn tạo niềm tin cho cấp dưới và trung thực với mọi người để tạo nên được một viễn cảnh tương lai tốt đẹp cho doanh nghiệp. Một chủ doanh nghiệp tài ba phải biết cách khen thưởng đúng chỗ, đúng lúc.
Họp hành
Những cuộc họp trong công ty chứa đựng trong nó một nền văn hóa thật sự. Bạn có thấy các cuộc họp mình chủ trì có hiệu quả không? Bạn đã khi nào nghe thấy một ai đó trong công ty nói rằng họp là tra tấn, chỉ tổ tốn thời gian? Nếu gặp phải, bạn hãy thay đổi tình thế bằng cách làm những điều sau đây:
• Có trong tay chương trình nghị sự và bám chặt vào nó để điều khiển cuộc họp.
• Chỉ có hai hoặc ba vấn đề chính cần bàn trong mỗi cuộc họp.
• Bắt đầu và kết thúc cuộc họp đúng giờ quy định.
• Chắc chắn rằng những người tham gia việc ra quyết định phải có mặt.
• Mọi vấn đề trong cuộc họp phải được giải quyết ngay, hoặc phải có kế hoạch giải quyết từ từ.
• Mỗi quyết định phải bao gồm các dữ liệu cơ bản, bao gồm ai, điều gì, khi nào, nơi đâu.
Nhịp đập của văn hóa công ty
Nếu các phòng ban trong công ty không phối hợp nhịp nhàng với nhau thì ắt hẳn nhịp hoạt động của công ty sẽ rất dễ bị rối loạn. Điều ấy sẽ tạo nên một nền văn hóa công ty không lành mạnh và khỏe khoắn. Do đó, hãy chỉ định ra những chức vị lãnh đạo không chính thức trong từng nhóm nhỏ tại công ty. Họ là những người mà nhân viên của bạn sẵn lòng lắng nghe nhất. Đồng thời, hãy mời gọi tham gia vào các kế hoạch và chương trình thực hiện mục tiêu của công ty.
Khi bạn muốn mọi thứ thay đổi, chính bạn là người đầu tiên phải tiến hành mọi việc. Một nền văn hóa lành mạnh phải đi theo quá trình sau: Người chủ doanh nghiệp đưa ra quyết định, sau đó phân phối, ủy quyền và quan sát mọi thứ tiến triển tốt đẹp ra sao. Nếu nó không thật sự như mong đợi, chủ doanh nghiệp phải tái xem xét kế hoạch và nếu cần, thử nghiệm một vũ khí mới.
Tóm lại, nền văn hóa doanh nghiệp thường được hình thành theo cách mặc định hơn là được thiết kế, nhưng những công ty có chủ đích xây dựng nên nền văn hóa sẽ thành công hơn cả. Chưa bao giờ quá trễ để tạo nên thành công cho doanh nghiệp bằng cách quyết tâm xây dựng lại hoặc nâng cao nền văn hóa của doanh nghiệp.
(Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần / Entrepreneur)
Cuối năm, làm sao để giữ nhân viên tập trung làm việc?
Các kỳ nghỉ sắp tới đồng nghĩa với việc các nhà quản lý sẽ phải quân tâm đến tâm trạng hứng khởi và có phần mất tập trung của nhân viên. Đặc biệt với các công ty có mô hình quản lý từ xa với nhiều nhân viên làm việc online.
1. Không quản lý chặt thời gian
Điều này có vẻ ngược với mục đích ban đầu là đảm bảo nhân viên vẫn làm vệc hiệu quả. Tuy nhiên thực tế thì việc bạn cho nhân viên thêm một vài giờ nghỉ, giờ ăn trưa lâu hơn, thậm chí nghỉ buổi sáng hoặc chiều sẽ giúp nhân viên không phải chịu áp lực về thời gian. Họ sẽ vẫn có thời gian để tận hưởng không khí náo nhiệt cuối năm và họ sẽ vẫn làm việc một cách hiệu quả vì họ biết quản lý đã rất hào phóng thời gian cho họ.
2. Đặt mục tiêu cụ thể
Có rất nhiều công việc thường khó có thể xác định thời hạn hoàn thành và kéo dài khá lâu. Tuy nhiên, trong không khí vui vẻ và dễ gây xao nhãng của các dịp năm mới đang tới cận kề, hãy cố gắng chia nhỏ các đầu việc để giữ sự tập trung của nhân viên. Đưa ra những mục tiêu ngắn hạn và khả thi sẽ đảm bảo dự án của bạn diễn ra trôi chảy.
3. Yêu cầu báo cáo tuần
Báo cáo tuần sẽ là cách thức hữu hiệu để nhắc nhở nhân viên về nhiệm vụ của họ. Trong báo cáo cần nêu lên các nội dung như:
- Chi tiết những việc đã hoàn thành trong tuần
- Nhiệm vụ và mục tiêu cho tuần sau
- Cập nhật về tình hình các dự án/công việc đang dở dang hoặc đang bị trì hoãn trong tuần vừa rồi
- Yêu cầu hỗ trợ để xử lý các khó khăn khi thực hiện các đầu việc trong tuần vừa rồi
4. Dành các dự án quan trọng cho năm sau
Năng suất của nhân viên, dù là làm việc trực tiếp hay online đều sẽ bị giảm sút khi mùa lễ hội sắp tới. Vì vậy nếu tiến hành một dự án lớn, dài hạn tại thời điểm này là không phù hợp. Thay vào đó, hãy dời nó sang đầu năm mới khi mà tinh thần làm việc của mọi người đang rất khí thế. Đây sẽ là thời điểm để cùng thảo luận, trao đổi và cũng là thời điểm mọi người chấp nhận những thách thức, sự đổi mới một cách tích cực nhất.
5. Đừng quên những món quà cảm ơn cuối năm
Những tấm thiệp chúc mừng thì thật là tuyệt, tuy nhiên những món quà hữu ích sẽ giúp thể hiện sự quan tâm của người quản lý đến nhân viên và gia đình họ, từ đó là động lực khuyến khích nhân viên gắn bó và năng suất hơn trong công việc. Đó có thể là những món quà nhỏ cho bọn trẻ con, một bữa ăn tối thân mật cùng gia đình, vé đi du lịch, và đôi khi chỉ là một tờ giấy với những lời cám ơn chân thành từ những việc cụ thể đã xảy ra trong năm vừa qua.
THU TRANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét